Lịch sử thị trường bất động sản Việt Nam – P3

Ở các phần trước chúng ta đã đi qua các mốc 1986, 2006. Chúng ta tiếp tục hành trình – những câu chuyện dã sử kinh tế, bất động sản giai đoạn mốc 2016. Nếu các bạn còn nhớ ở phần trước tôi có nói sản phẩm bất động sản kể từ khi được coi là một loại hàng hóa thì việc đầu tư vào bất động sản hay một sản phẩm nào khác chỉ là vấn đề của luân chuyển dòng tiền trong xã hội. Mà tại Việt Nam 2 lĩnh vực đầu tư thu hút được nhiều dòng tiền nhất có lẽ chỉ có bất động sản và chứng khoán. Quy luật là chứng khoán bùng nổ là bất động sản cũng auto bùng nổ, dù có một chút độ trễ.

Tuy mỗi kỳ là khác nhau, càng các chu kỳ sau kinh tế vĩ mô của Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán, bất động sản nói riêng sẽ ngày càng nhậy cảm với tình hình kinh tế thế giới vì sự hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới. Sự gia tăng quỹ ngoại, doanh nghiệp ngoại đầu tư vào Việt Nam và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Chính phủ muốn nền kinh tế phát triển vững vàng qua mỗi kỳ khủng hoảng kinh tế thì cần quan tâm phát triển hơn nữa doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước để gia tăng thực lực kinh tế quốc gia chứ không chỉ dựa vào doanh nghiệp FDI và các tập đoàn.

Mốc năm 2016 (lúc này vàng 36tr /lượng , USD 22.000 đ /USD, thu nhập bình quân đầu người 2.172USD/năm)

Thế giới bước vào cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Khủng hoảng từ Mỹ đã lan ra cả thế giới đã gây những tác động to lớn tới các quốc gia trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam diễn ra chậm hơn (2010-2012), sau khi liều thuốc bơm tiền thông qua các gói kích thích kinh tế (tín dụng lãi suất ưu đãi, ân hạn tín dụng dưới chuẩn) trong năm 2009-2010 khoảng ~150K tỷ (~6 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối, ngân sách Nhà nước, vốn vay nước ngoài) vào nền kinh tế là các tập đoàn nhà nước và tập đoàn bất động sản tư nhân, doanh nghiệp mà nhiều đơn vị sử dụng sai, lãng phí.

Hậu quả gói kích thích kinh tế bị tác dụng phụ là gây lạm phát cao, tăng nhanh nợ xấu, và đẩy lãi suất lên đỉnh 22%, cá biệt 25% (2012), tê liệt thị trường tài chính, làm đóng băng thị trường bất động sản từ 2011 đến tận 2015. Hậu khủng hoảng nhà nước đã phải xử lý nhiều khoản nợ xấu thông qua VAMC và sát nhập một số ngân hàng giá trị 0 đồng.

Giai đoạn này đã nổi lên VIN, SUN, Nova, Bitexco, FLC v.v. vẫn tăng đà triển khai dự án vì vẫn có nguồn tiếp cận vốn. Sự khó khăn là tiêu biểu cho hầu hết các tên tuổi lớn trước đó là Hoàng Anh GL, Quốc Cường GL, Kinh Bắc-Tân Tạo, Sacomreal (TTC) v.v đã đầu tư bất động sản dàn trải, ngoài ngành kém hiệu quả, sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính (đi vay) dẫn đến mất thanh khoản khi thị trường khó khăn.

Đường chân trời TP HCM hiện lên tòa tháp Saigon One Tower dang dở bên dòng sông Sài Gòn như một vết sẹo – tổn thương của một chu kỳ cũ, hậu quả của đóng băng thị trường bất động sản. Và bên cạnh đó là tòa nhà Bitexco khánh thành năm 2010 như một bông sen mới vươn lên từ những tháng ngày đen tối khủng khoảng kinh tế thế giới. Thể hiện tính 2 mặt của mỗi thời kỳ, luôn tồn tại những cơ hội trong khủng hoảng, và đó là giai đoạn những anh hùng được sinh ra để vượt lên trên nghịch cảnh.

Nguồn: Bài viết sử dụng tư liệu của “Đông DC trên nhóm DIỄN ĐÀN BẤT ĐỘNG SẢN VIỆT NAM”

Bài Viết Liên Quan